image banner
Năm 2023 đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu - Thực hiện chuyển đổi số
Di tích lịch sử Đình Câu Hạ B, xã Quang Trung, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng
Lượt xem: 38

Di tích lịch sử Đình Câu Hạ B, xã Quang Trung, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng.

Cũng như bao ngôi đình của làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ, đình Câu Hạ B mang chính tên nơi địa danh làng xã, cộng đồng dân cư đã xây dựng ra nó. Từ trung tâm thành phố hải Phòng đi theo các ngả đường khác nhau về ngã Tư Kênh, ngã Tư nằm trên trục quốc lộ 10 cách trung tâm thành phố đi về hướng Thái Bình khoảng 22km. từ ngã Tư Kênh rẽ vào đường tỉnh lộ 362 đi tiếp khoảng 1km là đến vị trí di tích.

Làng Câu Hạ B trước kia thuộc làng Câu Hạ (làng Câu Hạ còn có tên Nôm là làng Sòi), bởi làng nằm ở gần bến đò ngang từ huyện An Lão qua sông Văn Úc sang huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, xưa kia bến đò có cây sòi cổ thụ nên gọi là bến đò Sòi.

Theo danh sách số lượng và các tổng, xã, thôn của huyện An Lão dưới triều Nguyễn trong sách địa chí Hải Phòng do Hội đồng lịch sử thành phố Hải Phòng xuất bản năm 1990. Câu Hạ là một xã nằm trong tổng Câu Thượng. khi đó Tổng Câu Thượng có 5 xã gồm: Câu Thượng, Câu Đông, Câu Trung, Câu Hạ, Cát Tiên. Năm 1901 có thêm 2 xã Quang Khải và An Trụ. Đầu thế kỷ 19, dưới thời vua Gia Long, Câu Hạ đã chia làm 2 thôn Câu Hạ trong và Câu Hạ ngoài. Sau này làng Câu Hạ phân chia làm 2 thôn Nội Khảm (Câu Hạ A) và Ngoại Khảm (Câu Hạ B). Thôn Ngoại Khảm có 3 giáp: Giáp Thành, Giáp Thị và Giáp Trung. Theo tuyền ngôn, làng được hình thành từ thời Lý thế kỷ 11-12. Khi đó các dòng họ đến lập làng, dựng ấp đầu tiên có dòng họ Lâm Đình, Hoàng Kim, Đỗ Công, Phan Đình, Phạm Đình, Nguyễn Văn.

Tìm hiểu từ các bậc cao niên của làng và theo tài liệu tế lễ tại đình Câu Hạ B, đình thờ hai vị Thành hoàng là ngài Ngũ Đạo Công và mãnh tướng Đại vương Nguyễn Hữu Thừa.

Ngài Ngũ Đạo Công người làng Kinh Điền, tổng Du Viên nay là thôn Kinh Điền, xã Tân Viên, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng. Ngũ Đạo Công cùng với mẹ là Trần Thị Trinh (Sau được phong là Chiêu Thai công chúa) tham gia cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng năm 40 sau Công nguyên. Hai mẹ con sau khi hóa được vua ban sắc phong làm Phúc Thần, Thành hoàng của nhiều làng xã vùng huyện An Lão như: Kinh Điền, Du Viên, Đại Điền, Lương Câu (xã Tân Viên); Trực Đào, Đông Nham (xã Quốc Tuấn, huyện An Lão)…

Vị Thành hoàng thứ hai là Ngài Mãnh tướng họ Nguyễn tên húy là Thừa (tên đầy đủ là Nguyễn Hữu Thừa). Theo các bậc cao niên của làng kể lại, Ngài là người làng Lương Câu, tổng Du Viên, huyện An Lão đã có công đánh giặc bảo vệ vùng đất Câu Hạ và một số địa phương khác thuộc vùng ven sông Văn Úc. Ngài đã hy sinh anh dũng trên chiến trường. Sau khi mất Ngài được vua triều Nguyễn ban sắc phong “Mãnh tướng Đại vương”. Xưa kia và ngày nay dòng họ Nguyễn Văn, làng Nguyễn (làng Lương Câu), xã Tân Viên, huyện An Lão hàng năm tổ chức hai tiết lệ tập hợp con cháu lên dâng hương, tế lễ, tri ân Ngài Nguyễn Hữu Thừa tại đình làng Câu Hạ B.

Theo các bậc cao niên trong làng, Đình Câu Hạ B,  thôn Ngoại Khảm xưa khởi dựng năm 1727. Lần thứ 2 được xây dựng vào năm 1883. Thửa ban đầu đình xay dựng tại địa điểm gần sông Văn Úc, gần bến đò Sòi. Năm 1887 giặc Pháp chiếm giữ, đến năm 1889, nhân dân địa phương đã dựng ngôi đình mới tại  vị trí ngôi đình hiện nay, sau đó đặt tên là “Nguyên Tự Đình”. Lúc ban đầu tại vị trí mới đình có hai gian cung cấm, đến năm 1891 mới làm thêm tiền tế hoàn chỉnh, lần thứ 4 được làm năm 2010 như kiến trúc hiện nay.

Đình Câu Hạ B hiện làm trên khuôn viên đât cũ của đình xưa. Đình quay theo hướng đình cũ như câu ca còn lưu lại Đình tọa Nhâm, hướng Bính, nghĩa là phía trước Đông Nam, phía sau Tây Bắc, theo phong thủy là hướng phú quý.

Đình làm bằng vật liệu hiện đại kết hợp với vật liệu truyền thống. Mái làm theo thức chéo đao tàu góc. Mặt bằng kiến trúc của đình kiểu chữ Nhị gồm 5 gian tiền tế và 3 gian hậu cung. Trên mái đình đắp trang trí các tổ hợp con giống theo thức truyền thống Lưỡng long chầu nguyệt, Kìm ngậm bờ nóc, khúc khuỷu đắp lân cưỡi mây. Đao cong đắp Long chầu phượng vũ. Hiện tại đình còn lưu giữ được một số cổ vật có giá trị lịch sử như: Bia đá xanh nguyên khối, tiêu đề bia “Hậu thần bia ký”. Bia được dựng từ thời vua Tự Đức năm thứ 13 (1860). Nội dung bia ghi những người có công đóng góp trùng tu, tôn tạo đình Ngoại Khảm (đình Câu Hạ B). Bia thứ 2 kiểu khối trụ, mái bia kiểu long đình, diềm trang trris dật 2 cấp. Bia ghi địa danh Câu Hạ xã, Ngoại Khảm thôn. Bia được dựng vào năm vua Khải Dình thứ 7 (1922).

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, năm 1952,thực hiện chính sách tiêu thổ kháng chiến, đình dỡ bỏ 5 gian tiền tế. Đến năm1964 dỡ hết phần hậu cung còn lại của ngôi đình để lấy vật liệu làm nhà kho, trường học. Năm 1998 nhân dân địa phương xây lại 2 gian cung nhỏ để thờ tự. Đến năm 2010 làm lại đình mới như hiện nay. Đình xưa khuôn viên rộng, có nhiều cây cổ thụ um tùm, đình nằm sát rìa làng chỉ có một đường độc đạo, từ đình ra sông Văn Úc rất gần. Chính vì vậy, thời kỳ Đảng ta mới ra đời (1930), ông Dương Đức Cù, người địa phương sớm giác ngộ Cách mạng, ông đã lấy địa điểm đình để tuyên truyền đường lối cách mạng của Đảng cho nhân dân. Trong kháng chiến chống Pháp, do địa điểm đình có địa thế thuận lợi cho việc hoạt động bí mật nên lực lượng kháng chiến của địa phương, xã, huyện đã lấy đình làm nơi làm việc, huyến luyện. Tại khuôn viên, ao đình có nhiều hầm bí mật, hầm trên vườn, hàm dưới nước. Cũng tại nơi đây đồng chí Bùi Đình Khoáng trong khi hoạt động bí mật tại đình, ngày 18 tháng 3 năm 1953, đồng chí đã hy sinh.

Năm 1955-1956, Đình là nơi dân làng hội họp, học tập chính sách cải cách ruộng đất và tổ chức các lớp Bình dân học vụ.

Ngày 31 tháng 8 năm 1967, dân quân địa phương trực tiếp chiến đấu bảo vệ vùng trời đã bắn rơi máy bay Mỹ, bắt sống giặc lái nhảy dù. Năm 1967-1972, Đình Câu Hạ là nơi Bệnh viện Việt Tiệp sơ tán về làm việc, là nơi xét nghiệm, điều trị cho các bệnh nhân, nạn nhân chiến tranh. Đình còn là địa điểm Đảng bộ xã Quang Trung làm việc và chỉ đạo các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Ngày nay, Đình Câu Hạ B là công trình tín ngưỡng thờ Nhị vị Thành hoàng có công với quê hương đất nước trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm. Hàng năm, vào ngày mồng Mười tháng Hai âm lịch, địa phương tổ chức lễ kỳ phúc kỷ niệm ngày Thành đản của Ngũ Đạo Công, tổ chức  hội làng. Trong hội có tổ chức tế lễ. Vào dịp ngày Thánh hóa 11 tháng 11 âm lịch, nhân dân địa phương tổ chức hội 3 ngày, tổ chức rước Thánh quang làng bằng kiệu Bát cống và tổ chức các trò chơi dân gian…

Đình Câu Hạ B đã được UBND thành phố Hải Phòng xếp hạng di tích lịch sử cấp thành phố. Đình không những là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của dân làng mà còn là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

          

 

Admin
QR Code
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Tin mới