CHÙA CÂU ĐÔNG, XÃ QUANG TRUNG, HUYỆN AN LÃO, TP. HẢI PHÒNG – DI TÍCH LỊCH SỬ KHÁNG CHIẾN
CHÙA CÂU ĐÔNG, XÃ QUANG TRUNG, HUYỆN AN LÃO, TP. HẢI PHÒNG – DI TÍCH LỊCH SỬ KHÁNG CHIẾN
Là một di tích tín ngưỡng tôn giáo một làng quê thuộc xã Quang Trung, huyện An Lão. Ngoài tên gọi theo địa danh nơi ngôi chùa tọa lạc, chùa còn có tên chữ là Phúc Nguyên và tên Nôm là chùa Hống gọi theo tên xứ đồng của địa phương.

Chùa Câu Đông thuộc xã Quang Trung, trước năm 1945 là xã Câu Đông, tổng Câu Thượng, tỉnh Kiến An, nhưng trước năm 1813 được ghi là Cách Đông.
Chùa Câu Đông (Phúc Nguyên tự) tọa lạc trên khu đất rộng rãi cách xa khu dân cư. Nổi cao chính giữa con đường vào sân chùa là cổng xây theo kiến trúc Tam quan, hai tầng mái cong (Thượng thu –Hạ thách). Tòa Thượng điện được xây theo hướng Nam với 3 gian, kết cấu xây theo kiểu chữ Đinh biến thể, mặt chính 3 gian “Cửa thùng – khung khách”. Đặt ở vị trí cao và sâu nhất của tòa Tam Bảo (Thượng điện) là tượng Tam Thế (tức Thường Trụ Tam Thế Diệu Pháp Thân) gồm 3 pho tượng Phạt bằng gỗ mít. Tượng thể hiện trong tư thế ngồi kiết già trên đài sen, hai bàn tay lồng vào nhau, đặt trong lòng đùi trong thế ấn tam muội, đỉnh đầu tượng nhô lên một khối thể hiện quý tướng của Phật. Tượng A Di Đà được đặt với hàng tượng Quan Âm. A Di Đà có hai trợ thủ đi kèm là Quan Thế Âm Bồ Tát và Đại Thế Chí Bồ Tát để tiếp dẫn chúng sinh vào cõi Tây phương cực lạc. tượng A Di Đà ngồi trong thế “bán kiết già” và thiền định. Tượng mặc áo cà sa, niên đại nghệ thuật thời triều Nguyễn đầu thế kỷ 19. Ngoài ra chùa Câu Đông còn thờ nhiều tượng khác như: Nam Tào, Bắc Đẩu, tượng Đức Ông, tượng Tam Tòa Thánh Mẫu…

Chùa còn lưu giữ được một quả chuông đông cổ, được trang trí viền hoa văn hoa chanh, trám đồng, hồi văn. Thân trên chuông đúc nổi một chứ Hán trong ô lá đề: Phúc Nguyên, niên đại: Minh Mạng (1820)

Khuôn viên chùa còn nhiều công trình kiến trúc cổ, phong cách nghệ thuật thời Nguyễn giữa thế kỷ 19 như bia đá, tháp sư tổ…


Cùng với sự hình thành của làng xã địa phương, những cơ sở tín ngưỡng của cộng đồng ở làng xã được hình thành vào đầu thế kỷ thứ 17. Do vị trí tự nhiên của ngôi chùa và đình làng Câu Đông nằm sát bờ sông Văn Úc, tiếp giáp với vùng Tứ Kỳ, Thanh Hà của tỉnh Hải Dương, rất thuận lợi cho việc tác chiến quân sự và hoạt động tuyên truyền cách mạng.
Năm 1897, dân làng Câu Đông đã hưởng ứng phong trào yêu nước do Mạc Đình Phúc cùng với Kỳ đồng Nguyễn Văn Cẩm dương cờ khởi nghĩa “diệt Nguyễn, khôi phục Mạc triều”.
Ngay từ những năm đầu thế kỷ 19, dân làng Câu Đông đã có phong trào yêu nước, tham gia chống giặc ngoại xâm rất sôi nổi. Hưởng ứng phong trào Cần Vương do của vua Hàm Nghi, những người yêu nước ở thôn Câu Đông đã luyện tập ở khu vực Đình – Chùa, sung vào đội nghĩa quân của ông Bùi Đình Trạch, người làng Câu Hạ đánh địch tại đồn Sòi, diệt 4 tên lính Pháp, thu súng và nhiều quân tư trang khác. Những năm 1927 – 1930, An Lão là nơi có phong trào mạnh của Việt Nam Quốc dân Đảng hoạt động với các cơ sở ở Kha Lâm, Đồng Tử, Sái Nghi, Phù Niệm với tên tuổi những chiến sĩ kiên cường khiến kẻ thù phải kính nể…
Mảnh đất An Lão cũng là nơi sớm tiếp thu ánh sáng cách mạng vô sản do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lãnh đạo. Tổ chức Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội đã nhen nhóm phong trào ở Trực Đào, Đông Nham, Câu Hạ, An Tràng, Tứ Nghi.
Năm 1946, đình và chùa Câu Đông là nơi hội họp nhân dân, tuyên truyền về ngày tổng tuyển cử toàn quốc. Ngày 06/01/1946, tại đình-chùa thôn Câu Đông, nhân dân nô nức, phấn khởi đi bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, xây dựng chính quyền cách mạng cơ sở, lựa chọn, bầu ra Ủy ban hành chính ở địa phương mình.
Thời kỳ 1946 – 1955, đây là thời kỳ hoạt động cách mạng và kháng chiến diễn ra hết sức sôi nổi, nhưng không kém phần gay go, quyết liệt của cán bộ kháng chiến và nhân dân địa phương. Trong thời gian này, chùa Câu Đông là cơ sở tin cậy của cơ quan Quân báo huyện An Lão. Năm 1950, giặc Pháp đã vây ráp làng Câu Đông, hòng lùng bắt cán bộ, phá dỡ cơ sở cách mạng. Chúng đã bắt được đồng chí Nguyễn Văn Thưởng, cán bộ quân báo, sau khi dùng mọi thủ đoạn tra tấn dã man để lấy lời khai nhưng sau cùng giặc Pháp thất bại và xử tử đồng chí Nguyễn Văn Thưởng ngay tại vườn chùa Câu Đông.
Năm 1953, đội du kích quyết tử đã được thành lập tại chùa Câu Đông, luyện tập tại đình, sau đó tổ chức đánh địch trên tuyến đường trên sông Văn Úc, chặn đánh xe cơ giới địch trên Quốc lộ 10, diệt nhiều tên địch, thu nhiều vũ khí quân dụng. Trong một số trận đánh, chặn quân địch vận chuyển bằng đường thủy trên sông Văn Úc, chặn đánh binh lính địch đi tuần từ bến phà Tiên Cựu đến bốt đống Do trên đoạn Quốc lộ 10 dài hơn 1km, chặn đánh trận vây càn làng.
Năm 1954, trong 300 ngày tập kết binh lính Pháp tại Hải Phòng theo tinh thần bản Hiệp định Giơnevơ, Ban Binh vận xã Quang Trung do ông Đò lãnh đạo, hằng ngày chặn đoàn xe chở binh lính địch từ Thái Bình, Nam Định ra Hải Phòng xuống tàu vào Nam. Kêu gọi đấu tranh đòi người thân, con em đảo ngũ, giao nộp vũ khí cho quân Cách mạng, trở về quê đoàn tụ với gia đình.
Năm 1955-1956, chùa Câu Đông là nơi cán bộ và nhân dân tiến hành cuộc đấu tranh đánh đổ giai cấp địa chủ, bóc lột, đem ruộng đất chia cho dân nghèo.
Năm 1956-1960, chùa được lấy làm nơi tổ chức lớp học Bình dân học vụ, giảm bớt khó khăn cho chính quyền cơ sở khi chưa xây dựng được trường lớp cho con em địa phương.
Từ những năm 1964-1975, khu vực làng Câu Đông có nhiều cơ quan Nhà nước sơ tán về làm việc tại đình và chùa cho đến ngày thống nhất đất nước.
Cùng với truyền thống yêu nước, kiên cường chống giặc ngoại xâm, cư dân làng xã An Lão nói chung, làng Câu Đông, xã Quang Trung nói riêng đã có công gìn giữ, bảo vệ những di sản văn hóa quý báu của ông cha để lại cho thế hệ hôm nay. Bất kỳ ở nơi nào, trên mảnh đất Việt Nam, ngôi chùa là sự kết tụ tinh thần, nơi gửi gắm mối liên hệ giữa con người với thế giới tâm linh…Cụ thể hơn, ngôi chùa Phúc Nguyên ở làng Câu Đông lại là nơi lưu giữ, chứng kiến các sự kiện lịch sử cách mạng và kháng chiến của một thế hệ cán bộ đảng viên đã từng lăn lộn bám địa bàn để hoạt động cách mạng giải phóng dân tộc, làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến thần thánh 9 năm chống thực dân Pháp, 20 năm xây dựng hậu phương lớn xã hội chủ nghĩa miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngày nay, chùa Câu Đông là một công trình văn hóa tín ngưỡng đã gắn liền trong suốt quá trình phát triển của cư dân địa phương. Nơi bảo lưu, gắn bó quan hệ giữa nhân dân với lớp cán bộ hoạt động kháng chiến kiến quốc ở địa phương và huyện An Lão. Đặc biệt chùa còn lưu giữ được nhiều cổ vật như: tượng Phật, bia đá, chuông đồng, đại tự, câu đối… là nguồn sử liệu có giá trị đối với việc tìm hiểu, nghiên cứu giá trị văn hóa và tôn giáo tín ngưỡng của địa phương.