image banner
Năm 2023 đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu - Thực hiện chuyển đổi số
Chùa Câu Hạ (Khánh Minh tự), xã Quang Trung, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng - Di tích lịch sử Văn hóa
Lượt xem: 170

Chùa Câu Hạ (Khánh Minh tự), xã Quang Trung, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng - Di tích lịch sử Văn hóa

          Là một ngôi chùa thờ Phật, lịch sử xây dựng và tồn tại của di tích chùa Câu Hạ luôn gắn liền với tôn giáo đạo Phật ở nước ta. Đạo Phật được truyền bá vào nước ta từ rất lâu đời. Ở những thế kỷ trước như thời Lý – Trần, Lê – Mạc, đạo phật rất được coi trọng và đã từng được suy tôn là quốc giáo. Trong khắp các làng quê Việt Nam, đặc biệt là vùng đồng bằng Bắc Bộ, làng nào cũng có chùa thờ Phật nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của mỗi người dân. Trong bối cảnh đó, chùa Câu Hạ đã được người dân địa phương xây dựng lên.

          Chùa Câu Hạ, xã Quang Trung, huyện An Lão tọa lạc trong một thế đất cao ráo, khuôn viên rộng rãi, thoáng mát với nhiều cây xanh um tùm tỏa bóng mát quanh năm. Từ con đường tỉnh lộ 362 qua UBND xã rẽ trái vào một ngõ nhỏ, qua một cổng ngõ xây dựng đơn giản là bước vào khuôn viên di tích.

Chùa CHB 2.jpg

          Qua nghiên cứu, khảo sát, những dấu ấn vật chất phản ánh lịch sử xây dựng chùa Câu Hạ tại di tích hiện còn khá ít ỏi, nhất là những dấu ấn bằng vật thể. Nguyên do là thời gian diễn ra cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ngôi chùa đã phải thực hiện tiêu thổ để kháng chiến. Tuy nhiên trong khuôn viên di tích vẫn còn những di vật mang dấu ấn thời gian về lịch sử tồn tại của ngôi chùa. Đó là những tấm bia đá dựng ở phía Tây chùa gồm 3 chiếc. Trong đó 2 tấm bia hậu mang phong cách tạo tác thời Hậu Lê là Vĩnh Thịnh thứ 4 (1709) và Vĩnh Thịnh thứ 6 (1711). Bia Vĩnh Thịnh thứ 4 ghi danh hai hậu chùa là Nguyễn Thị Đẳng, hiệu là Từ Tâm, Nguyễn Thị Vệ, hiệu là Diệu Uy là những người đã cúng nhiều tiền và ruộng đất vào việc trùng tu xây dựng chùa Câu Hạ. Chiếc thứ 3 mang niên đại Hoàng triều Tự Đức lục niên (tức thời Nguyễn, đời vua Tự Đức năm thứ 6, 1853) mang nội dung: “Nhân lúc chùa trùng tu, ghi lại danh sách những vị có công cúng tiền của vào việc sửa chùa, tô tượng, đúc chuông”. Từ những thông tin được ghi lại qua những tấm bia đá hiện còn, chùa Câu Hạ có lịch sử xây dựng và tồn tại từ trong khoảng thế kỷ 17, 18 thời Hậu Lê. Cho đến thời nhà Nguyễn, chùa bị xuống cấp nên đã được trùng tu sủa chữa vào đời vua Tự Đức thứ 6.

CHB 3.jpg

CHB 4.jpg

          Theo trí nhớ của nhân dân địa phương, trước ngày tiêu thổ kháng chiến, vào năm 1946, chùa Câu Hạ vẫn còn nguyên vẹn, được làm bằng gỗ lim với bố cục kiến trúc kiểu chữ Đinh với 5 gian tiền đường, 3 gian hậu cung. Từ sau năm 1946, chùa chỉ còn tòa hậu cung. Đến năm 2000 thì  khôi phục lại kiến trúc này.

          Chùa chính, hay gọi là tòa phật điện được xây dựng nhìn về hướng Nam. Trang trí điêu khắc nghệ thuật trên kiến trúc chùa được thể hiện chủ yếu ở tòa phật điện. Trên cốn vuông điêu khắc nghệ thuật chạm nổi đề tài “Rồng mây hội tụ”. Trên cốn tiết diện gỗ vì ván mê nổi bật là đề tài “Lưỡng long chầu nhật”. Bên dưới quá giang trang trí một cửa võng lớn làm theo kiểu chạm thủng đề tài Tứ linh. Tất cả các chi tiết đều sơn son thếp vàng. Trên bốn chiếc cột tại gian trung tâm giữa tiền đường và phật điện là 2 đôi câu đối hình lòng máng nội dung tư tưởng về đạo phật. Tại câu đầu gian phật điện cũng còn ghi một dòng chữ Hán có nội dung: “Giáp Dần bát niên Duy Tân” tức là vào đời vua Duy Tân năm thứ 8, 1914, năm Giáp Dần, chùa Câu Hạ tiếp tục được tu sửa sau đợt trùng tu vào năm 1853.

Chùa CHB 1.jpg

          Trong chùa hiện còn một kiến trúc cổ đáng chú ý là tòa thờ các vị sư tổ. Nhìn từ phía ngoài thì kiến trúc này có mái lợp ngói hai lớp khá rêu phong cổ kính. Kiến trúc bên trong làm hoàn toàn bằng gỗ lim gồm 3 gian, 2 chái, 4 vì gỗ, vì nóc mái có kết cấu kiểu kẻ chồng. Đây là kiến trúc mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn, đầu thế kỷ 20. Trong khuôn viên di tích còn một kiến trúc dùng làm nơi thờ Mẫu.

          Trong bất cứ ngôi chùa nào, các pho tượng phật tượng trưng cho sự hiện hữu của đức phật trong tâm trí mỗi người khi đến chùa thắp hương cầu lễ. Chính giữa gian phật điện hàng thứ nhất là thờ tượng Tam Thế (tên đầy đủ là Tam Thế Thường Trụ Diệu Pháp Thân), cả 3 pho tượng được tạc bằng chất liệu gỗ trong tư thế tọa lạc trên đài sen. Hàng tượng thứ 2 nổi bật chính giữa là tượng Quan Âm Chuẩn Đề (hay còn gọi là Quan âm Thiên Thủ Thiên Nhỡn) với 12 đôi tay ở mỗi bên. Hàng thứ 3 gồm 3 pho tượng: Ngọc Hoàng Thượng đế ở chính giữa, hai bên là Nam Tào và Bắc Đẩu. Hàng thứ 4 thờ tượng Thích ca sơ sinh, tay trái chỉ hướng lên trời, tay phải chỉ hướng đất ẩn chứa trong đó câu nói: “Thiên thượng địa hạ, duy ngã độc tôn” (Trên trời, dưới đất chỉ có ta, tức đạo thể diệu như phật pháp thân là cao quý hơn cả).

          Hai bên tả, hữu phật điện còn có bộ tượng Hộ pháp hay còn gọi là tượng Kim Cương bảo hộ phật pháp. Bên tay trái tòa tiền đường còn có ban thờ tượng Thánh tăng A Nan Đà. Bên tay phải thờ Đức Tổ Tây Bồ Đề Đạt Ma.

          Tòa thờ Mẫu xây theo hướng Tây, thờ Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải. Tòa thờ các vị sư tổ xây theo hướng Đông. Nơi đây hiện đặt một ban thờ và pho tượng Hậu, người có công đóng góp tiền của xây dựng, trùng tu chùa. Tượng mang khuôn mặt nữ, tạc trong tư thế ngồi thiền, mình mặc áo choàng vàng. Niên đại tượng thời Nguyễn, cuối thế kỷ 19. Ban thờ các vị tổ sư gồm 3 pho có niên đại đầu thế kỷ 20. Theo truyền ngôn của nhân dân địa phương, 3 pho tượng sư tổ gồm có tổ sư Giác Linh, cụ Sòi và nhà sư Nguyễn Quang Hưởng.

          Theo các tài liệu ghi chép trong lịch sử Đảng bộ huyện An Lão, lịch sử Đảng bộ xã Quang Trung và ký ức của những nhân chứng là lão thành kháng chiến, chùa Câu Hạ là địa điểm ghi nhiều sự kiện lịch sử trong các phong trào yêu nước, phong trào đấu tranh cách mạng cũng như cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Một trong sự kiện lịch sử đầu tiên được ghi nhận diễn ra tại chùa Câu Hạ là vào cuối thế kỷ 19. Hưởng ứng phong trào Cần Vương của vua hàm Nghi, ông Bùi Đình Trạch, người làng Câu Hạ đã chiêu mộ nhân dân địa phương tham gia tập trung tại chùa xây dựng căn cứ kháng chiến, tận dụng vũ khí thô sơ, tự tạo để đánh giặc giữ làng. Trong những năm đấu tranh vận động thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, làng Câu Hạ có ông Dương Đức Cù tham gia tổ chức Việt Nam thanh niên Cách mạng đồng chí Hội đã xây dựng cơ sở cách mạng đầu tiên tại chùa. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, đến ngày 06/01/1946, chùa Câu Hạ là nơi chứng kiến quyền làm chủ của nhân dân làng Câu hạ, công dân của một nước độc lập cầm lá phiếu bầu ra Quốc hội đầu tiên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

          Ngay trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, chùa Câu Hạ đã thực hiện tiêu thổ tòa tiền đường, không cho địch chiếm đóng làm chỗ trú chân. Nhà chùa đã ủng hộ quả chuông quý cho kháng chiến đúc và rèn vũ khí. Do có vị trí thuận lợi, nằm cạnh sông Văn Úc, bên kia sông là các xã thuộc huyện Tứ Kỳ, Hải Dương là vùng tự do. Do vậy, từ vùng tự do này, nhiều cán bộ kháng chiến hoạt động bí mật đã vượt sông về nằm vùng tại xã Quang Trung rồi tỏa đi các xã trong huyện, nắm bắt tình hình hoạt động của địch và tiến hành từng bước khôi phục lại phong trào kháng chiến tại địa phương. Chùa Câu Hạ ngoài việc tổ chức tiếp đón, bố trí nơi ăn ở cho cán bộ kháng chiến, nhà chùa, nhà sư trụ trì còn xây dựng các hầm bí mật trong phật điện, ngoài bờ ao, bờ tre nhằm tạo điều kiện thuận lợi và đảm bảo bí mật an toàn tuyệt đối cho các cán bộ kháng chiến hoạt động tại địa phương. Mặc dù là nhà sư tu hành, song trụ trì là Trịnh Quang Hưởng đã tích cực tham gia ủng hộ phong trào, bí mật vận chuyển công văn, giấy tờ, chỉ thị cấp trên đến các cơ sở kháng chiến trong toàn huyện, tạo ra sự liên kết đồng bộ, phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương trong kháng chiến. Kháng chiến thắng lợi, chàu Câu Hạ đã được nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến Hạng II.

          Phát huy truyền thống được vun đắp từ trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chùa Câu Hạ tiếp tục là một  cơ sở, một căn cứ hậu phương tích cực tong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Ngay sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ ngày 05 tháng 8 năm 1964, được sự giới thiệu của thành phố và sự đón tiếp nhiệt tình cảu chính quyền địa phương cũng như nhà chùa, công ty Du lịch Hải Phòng đã về chùa xây dựng các căn nhà phục vụ cho việc đưa đón các du khách trong và ngoài nước đến nghỉ ngơi điều dưỡng. Một thời gian sau, khoa Ngoại bệnh viện Việt Tiệp về tiếp quản làm nhà cứu chữa thương bệnh binh. Sau bàn giao cho trường đào tạo và bồi dưỡng cán bộ của Ban Tổ chức Chính quyền thành phố, nay là Sở Nội vụ Hải Phòng.

          Hiện tại, chùa Câu Hạ (Khánh Minh tự), xã Quang Trung, huyện An Lão là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của các phật tử xa gần. Chùa là nguồn tư liệu quý giá góp phần nghiên cứu lịch sử làng, xã Quang Trung cũng như lịch sử tôn giáo đạo phật tại thành phố Hải Phòng. Ngoài ra chùa Câu Hạ là một phần quan trọng tạo ra cơ sở bảo tồn cho di tích dưới góc độ là di sản văn hóa, góp phần làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hóa thời Hậu Lê, mang lại niềm tự hào cho mỗi người dân trên quê hương Câu Hạ.

NVT
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Tin mới